Trên thế giới có thể có nhiều cách giải thích khác nhau về bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt. Tuy nhiên, nhìn chung ta có thể hiểu rằng: Bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt là bảo hiểm những thiệt hại do cháy và các rủi ro tương tự hay các rủi ro đặc biệt như: động đất, bão lụt, núi lửa, sét đánh… gây ra cho đối tượng bảo hiểm. Các nước khác nhau cũng có những cách giải thích khác nhau về điều kiện công nhận có hoả hoạn. Ví dụ như Mỹ cho rằng phải có đủ 3 điều kiện sau thì mới công nhận có xảy ra hoả hoạn: – Phải có ánh sáng và nhiệt tạo ra ngọn lửa – Phải là ngọn lửa độc ác – Phải không nằm trong phạm vi loại trừ bảo hiểm trong đơn bảo hiểm Pháp luật của Mỹ đã phân chia về lửa ra thành 2 loại là "lửa hiền lành" (friendly fire) và "lửa độc ác" (hostile fire). Vì mục đích nhất định, ngọn lửa nào được đốt cháy và sử dụng trong một phạm vi nhất định thì đó là "ngọn lửa hiền lành", còn ngọn lửa nào vượt quá phạm vi nhất định và được đốt cháy ở nơi không nên có lửa cháy thì đó là "ngọn lửa độc ác". Thí dụ bà A người Mỹ đã mua bảo hiểm cháy cho một số đồ nữ trang của mình. Một hôm, bà A đã để một chiếc nhẫn kim cương lên mặt khung thành lò sưởi liền tường. Khi tới nghe điện thoại gần đó bỗng nhiên bà A thấy lớp giấy trang trí trên mặt khung lò sưởi này đã bén lửa. Bà A vội vứt giấy này vào trong lò sưởi đang có lửa cháy, trong lúc vội vàng bà vứt nhầm cả chiếc nhẫn kim cương vào trong lò sưởi. Kết quả là chiếc nhẫn bị lửa thiêu huỷ. Bà A đòi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường vì cho rằng lửa cháy trong lò sưởi là "ngọn lửa hiền lành" và bà A đã tự vứt nhẫn vào đó mới gây thiệt hại. Sau đó toà án Mỹ đã kết luận: "lửa trong lò sưởi là "lửa hiền lành", nhưng lửa cháy trên khung thành lò sưởi là "lửa độc ác". Vì phải dập tắt lửa cháy trên khung thành lò sưởi, chẳng may đã gây tổn thất khác, cũng chẳng khác gì đã trực tiếp bị tổn thất bị lửa thiêu huỷ. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại cho bà A. Riêng ở Việt Nam, để hiểu rõ về những quy định đối với bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt thì ta phải xem xét đến Quy tắc bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt ban hành ngày 2/5/1991. Trước tiên, ta đi tìm hiểu về những thuật ngữ có liên quan đến bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt: Cháy: là phản ứng hoá học có toả nhiệt và phát ra ánh sáng.
Hoả hoạn: Là cháy xảy ra không kiểm soát được ngoài nguồn lửa chuyên dùng và gây thiệt hại cho tài sản và người xung quanh. Đơn vị rủi ro: Là nhóm tài sản tách biệt khỏi nhóm tài sản khác với khoảng cách không cho phép lửa từ nhóm này lan sang nhóm khác, tuy nhiên khoảng cách gần nhất không dưới 12m. Mục đích của quy định này là để xác định vị trí, quy vùng trách nhiệm bồi thường. Chỉ có những tài sản nằm trong khu vực đó mới được bồi thường khi có rủi ro xảy ra, và đã được người sở hữu hay quản lý tài sản đó tham gia mua bảo hiểm. Tài sản: bao gồm tất cả các loại tài sản trừ những loại tài sản bị thiệt hại do những rủi ro loại trừ. Tài sản ở đây phải là tài sản thuộc quyền sử dụng hay quyền quản lý của người được bảo hiểm ghi trên giấy bảo hiểm. Đồng thời tài sản đó phải nằm trong phạm vi bảo hiểm. Những rủi ro đặc biệt là các rủi ro nổ, động đất, núi lửa, giông bão, lũ lụt… mà người được bảo hiểm chọn trong số những rủi ro liệt kê trong bản phụ lục kèm theo quy tắc và phải được người bảo hiểm chấp nhận và xác nhận trong đơn bảo hiểm.
Tổn thất toàn bộ
Tổn thất toàn bộ thực tế: Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoàn toàn hoặc hư hỏng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi lại trạng thái ban đầu.
Tổn thất toàn bộ ước tính: Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoặc hư hỏng đến mức nếu sửa chữa, phục hồi thì chi phí sửa chữa, phục hồi bằng hoặc lớn hơn số tiền bảo hiểm.
Mức miễn bồi thường: là số tiền tổn thất mà người được bảo hiểm tự gánh chịu cho mỗi vụ hoặc mọi tổn thất. Nếu thiệt hại do tổn thất gây ra nhỏ hơn mức miễn bồi thường này thì công ty bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm.
Mức miễn thường tối thiểu nói chung không dưới 1000 USD hoặc tương đương bằng các loại tiền khác đối với mỗi vụ tổn thất.